Tăng giá bán lẻ có chấm dứt tình trạng hàng loạt cửa hàng xăng đóng cửa?

Ngày đăng : 11/1/2022 12:03:00 PM
Đến hẹn lại lên, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày hôm nay được dự đoán giá bán lẻ xăng dầu sẽ tăng lên. Liệu việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng có giải quyết được tình trạng hàng loạt cửa hàng xăng đóng cửa hay cần phải mạnh mẽ thay đổi cách điều hành bất cập hiện nay của 2 bộ Công Thương và Tài chính?

Bản chất của trào lưu "hết xăng còn dầu" là gì?

Vậy, tăng giá xăng dầu trong các lần điều hành có giải quyết được tình trạng đại lý hết xăng hay không? Theo giới chuyên gia và các đại lý xăng dầu, tăng giá điều hành không thể giảm thiểu tình trạng đại lý treo biển hết xăng, vấn đề mấu chốt của hết xăng dầu là ở việc đại lý không mua được xăng dầu do giá tổng đại lý, thương nhân phân phối bán cao hơn giá điều hành của liên bộ hoặc bán hết chiết khấu.

Tăng giá bán lẻ có chặt đứt cảnh đại lý "hết xăng còn dầu"? - Ảnh 1.
Tình trạng hết xăng đang trở thành trào lưu gây lo lắng cho người dân mỗi khi cần đổ xăng (Ảnh An Linh)
 
Đại lý bán xăng không công, không lợi nhuận nên họ không muốn mua xăng dầu về để bán. Tình trạng hết xăng chỉ là biểu hiện lâm sàng của vấn đề chi phí xăng dầu mà cơ quan điều hành chưa tính đúng tính đủ, sát thực tế với những gì doanh nghiệp bỏ ra (trong đó có chi phí kinh doanh định mức, chi phí lưu thông, lưu kho, chiết khấu và giá nhập, premium….).

Vấn đề hết xăng dầu chỉ có thể giải quyết được nếu các chi phí của doanh nghiệp được tính đúng, tính đủ, từ đó làm căn cứ để tính giá cơ sở, căn cứ xây dựng giá bán lẻ trong nước. Trong khi hiện liên bộ Tài chính - Công thương hiện đang tính giá điều hành hiện nay dựa vào cách tính giá bình quân gia quyền, giá cơ sở và giá thế giới. Với cách tính này, giá xăng tăng trong lần điều chỉnh này vẫn không giúp các đại lý xăng bù lỗ do chi phí lớn quá. 

Hiện, các doanh nghiệp xăng dầu, kể cả các doanh nghiệp lớn đều lỗ do việc nhập khẩu xăng dầu từ quý II/2022 về giá cao, trong khi giá bán theo giá điều hành của Nhà nước trong các tháng cuối quý II và trong quý III thấp hơn nhiều so với giá doanh nghiệp nhập về, điều này khiến doanh nghiệp lỗ từ 600 đồng đến hơn 1.000 đồng/ lít.

Chính vì vậy, càng là doanh nghiệp nhập xăng dầu về lớn, số lỗ càng lớn và không thể lấy khoản nào bù được.

Doanh nghiệp lỗ 600 đồng/lít, bộ Tài chính vẫn không điều chỉnh chi phí

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam từng đề nghị được lấy Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù lỗ cho doanh nghiệp xăng dầu.

Cụ thể, tại cuộc họp giữa Bộ Công thương với 31 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ngày 23/10 tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, phân tích nguyên nhân dẫn đến việc đứt gãy nguồn cung ở một số địa bàn, đặc biệt là trong quý 3.

Ông Bảo cho rằng, theo quy định của Nghị định 95, các doanh nghiệp đầu năm đăng ký theo sản lượng trung bình hoạt động của năm trước. Trong khi đó, năm 2021 và 2020 lại là năm diễn ra đại dịch nên sản lượng sụt giảm, năm 2022 sản lượng bị thiếu hụt.

Do tình hình địa chính trị, giá xăng dầu thế giới biến động rất mạn, có tính dị biệt không có chính sách nào đo lường và bù đắp được. Trong 6 tháng đầu năm không có biến động lớn do vẫn còn lượng tồn kho, nhưng đến quý III/2022, do xăng dầu bước vào đợt suy giảm, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về chi phí. 

Trước tiên là chi phí lưu thông từ thương nhân phân phối, đến cửa hàng bán lẻ. Chi phí này được Bộ Tài chính áp dụng suốt từ năm 2014 đến nay và chưa được sửa đổi dù đã kiến nghị đề xuất nhiều lần và theo quy định phải rà soát hằng năm. 

Tiếp đó là chi phí tạo nguồn, đã được quy định tại Nghị định 83, Nghị định 95 sửa đổi, trong đó có giá cả thế giới, premium, phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, kể cả chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Đây là vấn đề rất mới, bắt đầu thực hiện trong năm 2022.

Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng: Đối với chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước, đáng lẽ phải được áp dụng từ ngày 11/7, nhưng đến ngày 11/10 mới được áp dụng, chậm đến 3 tháng, từ đó khiến quý III/2022, các doanh nghiệp xăng dầu lấy nguồn hàng trong nước thua lỗ ngay 600 đồng/lít xăng.

Với doanh nghiệp nhập xăng dầu, chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng thời gian vừa qua biến động tăng rất cao. Việc điều chỉnh không sát thực tế nên các doanh nghiệp lỗ trong quý 3 tại khâu tạo nguồn khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu để thực hiện theo đúng nhiệm vụ chính trị phân phối xăng dầu được giao.

Với khối lượng xăng dầu Bộ giao cho các doanh nghiệp, theo ông Bảo chắc chắn phải nhập thêm. Nhưng trong khi với giá cả tháng 11, 12 thì premium đang ở mức trên dưới 10 USD, doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít khiến họ không thể thực hiện được.

Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính lấy Quỹ bình ổn giá xăng dầu bù trừ trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước, nhằm triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước. Theo ông Bảo, điều này để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ.

Rõ ràng, vấn đề thiếu xăng ở đây là câu chuyện điều hành của liên bộ Tài chính - Công Thương. Cần phải hiểu chính sách như một "cái van" điều tiết thị trường, mà cụ thể ở đây, khi tình hình bất ổn thì người làm chính sách là bộ Tài chính cần phải điều chỉnh chi phí để doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng. Thế như, khi cả nền kinh tế đang gồng lên để gánh đỡ chi phí, thì bộ Tài chính gần như chẳng có động thái gì về việc điều chỉnh chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp lúc khó khăn. 

Vậy nên, nếu có nhiều hơn các cửa hàng xăng đóng cửa thì cũng đừng trách họ, mà hãy trách người làm chính sách, mà cụ thể ở đây là bộ Tài chính. Không doanh nghiệp nào gánh lỗ mãi được. 

glencode

Để xem được nhiều tin tức/báo cáo quan trọng hơn. Vui lòng đăng kí tài khoản để được hưởng những tiện ích của chúng tôi

Đăng kí tài khoản ngay