Theo Chứng khoán Vietcap (VCSC), Bộ Công Thương đã thu hồi Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của Công ty TNHH Trung Linh Phát (Quyết định số 3112/QĐ-BCT), có hiệu lực từ ngày 26/11/2024.
Diễn biến này phù hợp với việc thắt chặt quy định kinh doanh xăng dầu đang diễn ra. Các chuyên gia trong ngành nhận định diễn biến này sẽ có tác động tích cực nhẹ khi các cửa hàng do đại lý sở hữu và vận hành, bán buôn (DODO) tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy khác (Petrolimex - PLX/OIL).
Công ty TNHH Trung Linh Phát, được thành lập năm 2009, hoạt động trên nhiều tỉnh thành, bao gồm TP.HCM, Lạng Sơn và Tây Nguyên. Công ty ghi nhận doanh thu đạt 7,7 nghìn tỷ đồng vào năm 2021, tương đương khoảng 5% doanh thu mảng xăng dầu của Petrolimex.
VCSC hiện có khuyến nghị Mua cho PLX với giá mục tiêu là 49.300 đồng/cổ phiếu.
Mảng xăng dầu của Petrolimex ghi nhận khoản lỗ 85 tỷ đồng trong quý 3
Còn theo Chứng khoán SSI, doanh thu quý 3/2024 giảm 11,2% so cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 82% xuống còn 130 tỷ đồng chủ yếu do giá dầu giảm mạnh trong quý.
Sản lượng bán lẻ xăng dầu duy trì tăng trưởng bền vững: Sản lượng nội địa của PLX tăng 0,4% so cùng kỳ, nhưng sản lượng bán lẻ tăng mạnh hơn nhiều với mức tăng 6,6%. Lũy kế 9T2024, sản lượng nội địa tăng 1% so cùng kỳ lên 7,83 triệu tấn trong khi sản lượng bán lẻ tăng với tốc độ cao hơn là 4,1%, đạt 5,48 triệu tấn, chiếm 70% tổng sản lượng nội địa và phù hợp với mức tăng của toàn thị trường (Theo thống kê của Bộ Công Thương, tiêu thụ xăng dầu nội địa tăng 4% trong 8 tháng đầu năm 2024).
Tuy nhiên, mảng xăng dầu của Petrolimex ghi nhận khoản lỗ 85 tỷ đồng trong quý so với lợi nhuận 483 tỷ đồng trong Q3/2023 và 1,06 nghìn tỷ đồng trong Q2/2024. Điều này là do: (1) giá dầu giảm hơn 15% từ tháng 7 đến tháng 9; (2) chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày từ tháng 11/2023 dẫn đến tác động lớn hơn của biến động giá dầu lên biên lợi nhuận của công ty. Ngoài ra, khi giá dầu giảm, các đầu mối thường tăng chiết khấu thương mại cho các nhà bán lẻ để giảm tồn kho, do vậy cũng góp phần làm giảm biên lợi nhuận.
Ngược lại, lợi nhuận mảng nhiên liệu bay phục hồi 40 tỷ đồng từ khoản lỗ 77 tỷ đồng trong Q3/2023. Điều này là do biên lợi nhuận mảng này đã bị ảnh hưởng kém tích cực trong năm 2023 khi nhu cầu nhiên liệu bay phục hồi nhanh hơn dự kiến khiến cho công ty phải tăng mua nguyên liệu đầu vào tại mức giá giao ngay, thường cao hơn giá hợp đồng.
Lợi nhuận các mảng còn lại giảm hơn 60% so cùng kỳ xuống còn 287 tỷ đồng, chủ yếu do công ty ghi nhận lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn PGB khoảng 645 tỷ đồng trong Q3/2023. SSI lưu ý rằng công ty đã ghi nhận khoản lãi tỷ giá ròng 198 tỷ đồng trong Q3/2024 phần lớn do đồng USD giảm giá, so với khoản lỗ 177 tỷ đồng trong Q3/2023 và lãi 123 tỷ đồng trong Q2/2024.
Do đó, SSI điều chỉnh giảm 10% ước tính LNTT năm 2024 của PLX xuống còn 4,36 nghìn tỷ đồng (+10,4% so cùng kỳ). Trong ngắn hạn, giá xăng dầu phục hồi 6%-7% từ đầu tháng 10 sẽ hỗ trợ lợi nhuận cho công ty trong quý 4. Sang năm 2025, SSI dự báo LNTT sẽ tăng 9,7% lên 4,78 nghìn tỷ đồng, nhờ sản lượng bán lẻ tăng 4%. Chúng tôi chưa tính đến tác động từ Nghị định mới về Kinh doanh xăng dầu vào mô hình dự báo.
SSI chưa tính đến tác động từ Nghị định mới về Kinh doanh xăng dầu vào mô hình dự báo, do dự thảo Nghị định chưa được hoàn thiện, do đó vẫn chưa rõ liệu các nhà bán buôn có thể tự xác định giá bán lẻ hay phải tuân theo hướng dẫn của chính phủ, cũng như liệu các nhà phân phối có thể mua xăng dầu từ các nhà phân phối khác như hiện nay hay chỉ từ các nhà bán buôn chính.
Do lợi nhuận quý trước có khả năng đã chạm đáy, SSI nâng khuyến nghị đối với PLX từ Trung lập lên Khả quan, với giá mục tiêu 1 năm là 44.000 đồng/cổ phiếu dựa trên lợi nhuận ước tính năm 2025 và P/E mục tiêu năm 2025 là 16x, tương đương với tiềm năng tăng giá là 10%.
Khả năng quản lý hàng tồn kho vẫn được đảm bảo
Giá xăng dầu trung bình trong Q3/2024 đã sụt giảm ~ 7% YoY khi giá dầu Brent giảm 8% YoY, chủ yếu do OPEC+ đã phát đi tín hiệu sớm nới lỏng dần nguồn cung. Đồng thời sau khi Trump tái đắc cử, khả năng cao việc đẩy mạnh khai thác dầu đã phiến sẽ khiến giá dầu hạ nhiệt trong dài hạn.
Dù vậy Chứng khoán DSC cho rằng khả năng quản lý hàng tồn kho của Petrolimex vẫn tương đối khả quan, thể hiện qua (1) Biên lợi nhuận gộp vẫn ổn định trên 5%, mức giảm không quá đáng kể; (2) Dự phòng giảm giá hàng tồn kho không ghi nhận tăng đáng kể và (3) Số ngày tồn kho bình quân vẫn tương đối ổn định.
Với nền tảng tương đối vững, chúng tôi tin rằng những tác động từ các quy định mới trong kinh doanh xăng dầu sau khi được ban hành sẽ tạo điều kiện giúp Petrolimex cải thiện khả năng quản lý hàng tồn kho cũng như biên lợi nhuận gộp trong năm 2025.
Các thay đổi mới trong Nghị định Xăng dầu Dự thảo sửa đổi Nghị định 95/NĐ-P và Nghị định 83/NĐ-P lần 2 được Bộ Công Thương trình lên Chính Phủ vào tháng 7 tiếp tục tập trung vào hỗ trợ hoạt động kinh doanh xăng dầu tại khu vực hạ nguồn.
Trong đó có các điểm nhấn đáng chú ý như (1) Quy định 7 ngày sẽ công bố giá thế giới bình quân để đầu mối được cộng các khoản chi phí liên quan, từ đó công bố giá bán ra thị trường.
(2) Xác định chi phí vận hành và lợi nhuận trên mỗi lít xăng theo Phương pháp cố định (1.800 - 2.500 VND/lít tùy sản phẩm) hoặc theo Mức linh hoạt (dựa trên tỷ lệ phần trăm liên quan đến giá quốc tế).
(3) Hạn chế phân phối các khâu phân phối trung gian, tập trung vào các đầu mối lớn nhằm hạn chế chi phí phát sinh.
DSC cho rằng điểm (1) và (2) đem lại những ảnh hưởng tích cực chung cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Điểm (3) sẽ đem lại lợi thế cho các nhà phân phối lớn, đặc biệt là PLX, nhờ cắt giảm các bước trung gian và chi phí phát sinh, trong khi các nhà phân phối nhỏ sẽ bất lợi do giảm khả năng thương lượng.
Dù vẫn còn tạo nhiều luồng ý kiến và chưa thể ban hành trong năm nay, DSC kỳ vọng những nghị định này sẽ sớm được ban hành trong năm 2025.
glencode
Để xem được nhiều tin tức/báo cáo quan trọng hơn. Vui lòng đăng kí tài khoản để được hưởng những tiện ích của chúng tôi
Đăng kí tài khoản ngayMua bán, trao đổi dễ dàng và tin cậy với Glencode.
Đăng tin ngay