Không thể lợi dụng dân chủ xuyên tạc về quản lý giá xăng dầu ở Việt Nam

Ngày đăng : 4/22/2024 9:24:00 AM
Những hành động xuyên tạc các chủ trương điều hành kinh tế, trong đó có quản lý giá xăng dầu luôn nằm trong tâm điểm chống phá của các thế lực thù địch.

Xăng dầu là mặt hàng trọng điểm mang tính chiến lược không chỉ riêng với Việt Nam mà với các nền kinh tế trên thế giới. Cho dẫu cơ chế, cách thức điều hành có thể khác nhau song việc bảo đảm ổn định nguồn cung, giá cả, các kênh phân phối luôn là mối quan tâm hàng đầu trong điều hành của các cơ quan chức năng của các Chính phủ.

Điều này là hoàn toàn rõ ràng và hết sức bình thường với mọi nền kinh tế nhưng với Việt Nam, trong âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, xăng dầu luôn là chủ đề được “ưa thích” của các luận điệu thù địch, chống phá nhằm tạo hiệu ứng “không có nói mãi cũng sẽ thành có” như vị “tổ nghề” chống phá J.Goebbels của phát xít Đức thế kỷ XX từng theo đuổi.

“Đánh” liên tục, có lớp lang vào yếu tố giá cả của một mặt hàng nhạy cảm với thị trường, với doanh nghiệp, với người dân như xăng dầu, các thế lực thù địch luôn hy vọng một hiệu ứng mất niềm tin thị trường để có thể tiếp ứng cho tâm lý hoang mang, gây bất ổn và lớn hơn là làm mất tác dụng của các chủ trương điều hành của các cơ quan Nhà nước Việt Nam. Thủ đoạn của các thế lực thù địch thì thì không mới nhưng chúng vẫn nuôi một ảo tưởng sẽ gặt hái một “thành công” mới để rồi góp các “thành công” đó cho mục tiêu gây mất ổn định nền kinh tế Việt Nam.

Khi các ứng dụng mạng xã hội phát triển, quyền dân chủ được thực thi rộng rãi thì cũng là lúc các luận điệu xuyên tạc chống phá xem đây như một “cơ hội”, là “vũ khí” để xuyên tạc, chống phá các chủ trương điều hành của Nhà nước Việt Nam. Đi cùng đó là các chiêu trò đánh tráo khái niệm, nhân danh bức xúc của doanh nghiệp, tâm tư của người dân, an ninh thị trường để thổi bùng những luận điệu, rằng “Việt Nam quản lý có nhiều yếu kém, thành phần tham ô, tham nhũng trong bộ máy chính quyền còn nhiều, không quan tâm đến đời sống của nhân dân, doanh nghiệp, xăng dầu ở Việt Nam đa số là sân sau của quan chức”.

Việt Nam luôn nỗ lực để bảo đảm bình ổn giá xăng dầu. (Ảnh minh họa).

Việt Nam luôn nỗ lực để bảo đảm bình ổn giá xăng dầu. (Ảnh minh họa).

Không những vậy mỗi khi thế giới có xung đột, dịch bệnh, giá xăng dầu có thể điều chỉnh tăng ở các mức độ nhất định, các luận điệu chống phá lại tìm thấy dịp để ngóc đầu dậy kiểu như “tăng giá xăng để cốt móc túi người dân”, hô hào “minh bạch thuế phí là thứ đang bị giấu nhẹm”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, “đích đến” của các luận điệu xuyên tạc, chống phá như trên là hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận thành tựu của nền kinh tế Việt Nam, gây hoang mang dư luận, đồng thời phớt lờ những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc chủ động và kiên định thực hiện các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu và phát triển kinh tế.

Việc nhận diện những thủ đoạn không còn mới nhưng hết sức độc địa, thâm hiểm như nêu trên đây là hoàn toàn cần thiết để khẳng định tính đúng đắn trong các chủ trương, quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước Việt Nam cũng như không thể nghi ngờ, không thể phủ nhận về khả năng, năng lực làm chủ nền kinh tế nói chung cũng như năng lực bảo đảm nguồn cung xăng dầu từ sớm, từ xa của các cơ quan điều hành nói riêng.

Không thể phủ nhận một thực tế là trong thời gian qua giữa những bối cảnh phức tạp như dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên quy mô toàn thế giới hay khi những tuyến vận tải hàng hóa trọng điểm của thế giới “nổi sóng”, đứt gãy, những cửa ngõ giao thương trọng điểm của thế giới bị đe dọa đóng cửa bởi các xung đột bất thình lình, thị trường xăng dầu nội địa luôn bảo đảm vai trò đầu vào của sản xuất, của sinh hoạt người dân. Tuy có có những lúc “sốt” song hoàn toàn chỉ mang tính cục bộ và được kịp thời khắc phục không để ảnh hưởng trên diện rộng. Một thành công của thị trường đi cùng với nguồn cung ổn định là giá cả tuy có lên có xuống nhưng hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Như chúng ta đều biết, sự vận hành của các loại thị trường, trong đó có thị trường xăng dầu ngày càng ẩn chứa những yếu tố khó lường, thậm chí là bất định. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm bình ổn giá xăng dầu, đồng thời có chỉ đạo quyết liệt trong việc thanh tra, xử lý nghiêm với những vi phạm của các cá nhân, tập thể kinh doanh xăng dầu… để góp phần giữ trật tự kỷ cương trong kinh doanh, ổn định giá xăng dầu được dư luận đồng thuận.

Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rà soát các quy định về thuế, phí, tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức để điều chỉnh giá xăng nhằm bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp. Cùng đó, nhiều hình thức quản lý hiện đại cho thị trường xăng dầu như: Áp dụng phần mềm quản lý bán hàng điện tử, xuất hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu đã được xây dựng và áp dụng thành công.

Đặc biệt, trong vai trò quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương luôn chủ động phát huy vai trò quản lý, coi việc bảo đảm ổn định nguồn cung xăng dầu, thị trường vận hành bình ổn lành mạnh là một ưu tiên cao trong quản lý điều hành và chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan trong việc thực hiện các mục tiêu quản lý thị trường xăng dầu được Chính phủ giao.

Cùng với đó, việc cập nhật, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến sự vận hành của thị trường bảo đảm hài hòa quyền lợi cho các chủ thể tham gia thị trường cũng được đặc biệt quan tâm, làm quyết liệt.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng luôn chủ động theo dõi các biến động của thị trường để chỉ đạo các doanh nghiệp có kế hoạch cân đối cung cầu và dự trữ. Phối hợp liên Bộ để bám sát giá xăng dầu thế giới, sử dụng hài hòa, hiệu quả Quỹ bình ổn giá làm sao hài hòa lợi ích nhà nước của doanh nghiệp, người dân. Xử lý kiên quyết với các hành vi, biểu hiện tiêu cực, trục lợi trên thị trường xăng dầu.

Đó là những nỗ lực, thành công to lớn, được chính cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước và đông đảo người dân ghi nhận. Nhưng con mắt những kẻ chuyên tung các luận điệu chống phá vẫn cố tình “mù màu” trước những nỗ lực, thành công ấy, những hòng “lộng giả thành chân” để phủ nhận bằng được các thành công đã có được. Chúng còn cố tình làm mờ, làm nhòe các nỗ lực điều hành để kích động các tâm lý bi quan. Nguy hại hơn là “nối giáo” cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị có cơ hội xuyên tạc, chỉ trích chế độ.

Có thể nói, các thế lực thù địch sẽ không bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam bằng bất cứ hình thức, phương thức, thủ đoạn nào, thời điểm nào. Do đó, chúng ta càng phải nêu cao cảnh giác, hết sức tỉnh táo, sáng suốt, không để bị “gài bẫy” hay bị “dụ dỗ” vào những thông tin giả đầy tính xảo trá của các phần tử xấu.

Các kiến nghị, đề xuất để thị trường xăng dầu vận hành mang tính thị trường nhiều hơn, quyền lợi các chủ thể được bảo đảm tốt hơn luôn được lắng nghe để cập nhật, sửa đổi bổ sung, nhưng không vì thế mà tạo dư địa cho các ý kiến lợi dụng quyền tự do dân chủ, lợi dụng các trang mạng xã hội để xâm hại quyền lợi Nhà nước, quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng, phá hoại niềm tin thị trường.

Bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh thị trường cũng chính là bảo đảm an ninh quốc gia. Chính bởi vậy, trong khi bảo đảm an ninh năng lượng, chúng ta luôn ở tâm thế tỉnh táo và không cho phép, không dung thứ bất cứ thế lực chống đối nào tung luận điệu kích động cũng như phá hoại các nỗ lực quản lý, vận hành của chúng ta.

glencode

Để xem được nhiều tin tức/báo cáo quan trọng hơn. Vui lòng đăng kí tài khoản để được hưởng những tiện ích của chúng tôi

Đăng kí tài khoản ngay