15 giờ chiều qua, 10-10, liên bộ Công Thương và Tài chính thực hiện điều hành giá xăng dầu định kỳ, nâng giá bán lẻ một loạt mặt hàng thêm từ 996 đồng đến gần 1.300 đồng/lít, tùy chủng loại.
Sau khi nhận được thông báo điều chỉnh giá của nhà điều hành, các doanh nghiệp đầu mối cũng đưa ra mức chiết khấu mới, hay còn gọi là thù lao hoa hồng áp dụng với các đơn vị bán lẻ xăng dầu lấy hàng của mình.
Một doanh nghiệp thông báo giá chiết khấu đại lý tại kho Nhà Bè của Petrolimex TP.HCM là 1.100 đồng/lít đối với xăng A95, 1.600 đồng/lít đối với dầu diesel (giá đã bao gồm thuế VAT).
Nhưng đến sáng nay, 11-10, vẫn tại kho Petrolimex Nhà Bè, mức chiết khấu đại lý với xăng A95 giảm còn 750 đồng/lít; chiết khấu với dầu diesel giảm còn 1.300 đồng/lít.
Ở một địa chỉ khác, kho Vũng Rô (vùng 1), mức chiết khấu áp dụng trong hôm nay là được 900 đồng/lít với xăng A95 và E5, với dầu diesel là 1.000 đồng/lít.
Chiết khấu hoa hồng bán xăng dầu thay đổi chóng mặt, doanh nghiệp cũng bất ngờ. Ảnh minh họa: MINH TRÚC
Dù có điều chỉnh giảm, nhưng ở mức chiết khấu này doanh nghiệp bán lẻ đã có lãi. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với tình hình đầu tuần, khi mức chiết khấu rất thấp kéo dài nhiều ngày.
Sau thời điểm điều hành giá, mức chiết khấu được nâng lên hơn 1.000 đồng/lít. Ảnh: DNCC
Một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, ngày 4-10, mức chiết khấu tại PVOIL Phú Yên theo hình thức thanh toán chậm có bảo lãnh (vùng 1) với xăng A95, E5, dầu diesel đồng loạt ở 100 đồng/lít. Đây cũng là tình hình chung ở nhiều khu vực khác trên cả nước. Cá biệt có doanh nghiệp bán lẻ phải nhập hàng với mức chiết khấu 0 đồng, từng xuất hiện ở một vài thời điểm mà gắn với đó là dấu hiệu đứt gãy trên thị trường.
Chiết khấu thấp cũng tức là doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rơi vào tình trạng càng bán càng lỗ.
Trao đổi với PLO, một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở miền Bắc cho hay: “Sáng hôm qua, trước khi nhà điều hành nâng giá bán lẻ, mức chiết khấu tại kho Hải Phòng chỉ ở mức 100 đồng/lít đối với xăng, 250 đồng/lít đối với dầu. Trừ chi phí vận chuyển từ kho Hải Phòng về tới cửa hàng vùng 2 thì bị âm từ 150-200 đồng/lít”.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty xăng dầu Hải Âu Phát (Lâm Đồng), cho biết: “Giá mua vào bằng giá bán ra thì không ai kinh doanh được, vậy nhưng nguyên tuần vừa rồi doanh nghiệp bán lẻ phải chịu như vậy”.
Một số doanh nghiệp phản ánh đã xuất hiện tình trạng chiết khấu 0 đồng. Ảnh: DNCC
Không chỉ chiết khấu, có doanh nghiệp bán lẻ còn phản ánh việc nhập hàng bị nhỏ giọt, hạn chế, dẫn đến không có hàng để bán. Trong khi toàn hệ thống, rõ ràng nguồn cung xăng dầu vẫn hoàn toàn đủ cho nhu cầu trong nước. Chỉ là, có thể do sợ lỗ quá, các đơn vị phân phối co lại. Hoặc cũng có thể ngay cả doanh nghiệp đầu mối cũng thế thủ, không nhập hàng về để bán.
“Họ không để hàng trong kho mà để ngoài khu vực hải phận quốc tế. Tức là tàu về đến đó rồi nhưng người ta chưa phát lệnh nhập hàng, đợi tín hiệu nhà điều hành điều chỉnh lên mức giá mới, có lãi hơn. Khi đó hàng về nhiều, doanh nghiệp đầu mối đẩy chiết khấu cao 1-2 ngày để thu hút các đại lý, các đơn vị bán lẻ nhập hàng về. Khi các kho dự trữ đủ mức cần thiết, họ lại đè chiết khấu xuống” - lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết.
Chiết khấu xăng dầu thấp hoặc thậm chí 0 đồng, doanh nghiệp bán lẻ lỗ, thà đóng cửa chịu phạt, gây căng thẳng thị trường là chuyện không mới, và có lúc đã rất gay gắt, nhất là giai đoạn đại dịch COVID-19, giá dầu thế giới giảm sâu.
Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục kêu cứu và gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan nhà nước. Họ cũng liên tục góp ý cho dự thảo sửa đổi nghị định xăng dầu, đề nghị quy định cụ thể mức chiết khấu cho từng thành phần tham gia chuỗi kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên kiến nghị này sau đó vẫn không được Bộ Công Thương chấp thuận, đưa vào dự thảo nghị định sửa đổi.
glencode
Để xem được nhiều tin tức/báo cáo quan trọng hơn. Vui lòng đăng kí tài khoản để được hưởng những tiện ích của chúng tôi
Đăng kí tài khoản ngayMua bán, trao đổi dễ dàng và tin cậy với Glencode.
Đăng tin ngay