Bộ Công Thương vừa có văn bản giục Hải Hà Petro nộp ngân sách số tiền khoảng 612 tỷ đồng nợ Quỹ bình ổn xăng dầu và tiền lãi phạt chậm nộp sau hơn một tháng doanh nghiệp không có hồi âm. Cơ quan này không đưa ra thời hạn cuối cùng.
Theo Bộ Công Thương, việc hối thúc dựa trên cơ sở phối hợp và Bộ Tài chính đã giục nhưng doanh nghiệp chưa nộp lại.
Hải Hà Petro là một trong số 3 doanh nghiệp đầu mối sử dụng sai Quỹ bình ổn, không kết chuyển về tài khoản Quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Số tiền nợ Quỹ bình ổn xăng dầu của Hải Hà Petro tính đến cuối tháng 11/2023 là 612 tỷ đồng. Đơn vị này cũng khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, kinh doanh xăng dầu, ghi nhận tại thời điểm thanh tra, Công ty Xuyên Việt Oil âm vốn chủ sở hữu 462 tỷ đồng, nợ Nhà nước tiền thuế 1.246 tỷ đồng, nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu 212 tỷ đồng.
Đến nay, dù hai bộ Công Thương và Tài chính liên tục đòi, Xuyên Việt Oil vẫn chưa trả hơn 200 tỷ vào Quỹ bình ổn giá. Trong khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp này đã bị bắt.
Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà thành lập ngày 8/9/2003, trụ sở tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, đại diện pháp luật là bà Trần Tuyết Mai. Đây là một trong gần 40 đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu lớn của cả nước từ nhiều năm qua.
Hải Hà Petro, có trụ sở tại Thái Bình, là doanh nghiệp đầu mối có mạng lưới đại lý, cửa hàng xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thái Bình.
Tuy nhiên, vài năm lại đây, ông lớn xăng dầu phía Bắc này liên tục nợ thuế khủng. Đến nay, Hải Hà Petro nợ hơn 1.700 tỷ đồng tiền thuế.
Vào ngày 12/1, Bộ Công Thương thu hồi giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu của Hải Hà Petro và Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt, do lạm dụng Quỹ bình ổn giá, nợ thuế. Đồng thời, cơ quan quản lý yêu cầu 2 doanh nghiệp này nộp ngay tiền nợ Quỹ bình ổn vào ngân sách.
Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quy định, Quỹ bình ổn được lập tại doanh nghiệp khi Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp đầu mối. Nhưng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 1, việc này dẫn tới nguy cơ các doanh nghiệp chiếm dụng Quỹ.
Vào ngày 23/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Hải Hà Petro cùng các đơn vị có liên quan.
Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Trần Tuyết Mai, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Hải Hà Petro và thuộc cấp do những sai phạm trong dùng sai tiền Quỹ bình ổn, không khai nộp thuế bảo vệ môi trường, gây thất thoát và hậu quả nghiêm trọng.
Cuối tháng 1, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành dừng thủ tục hải quan với xăng dầu, nguyên liệu của Hải Hà Petro và Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.
Theo Tổng cục Hải quan, 2 doanh nghiệp này đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Do đó, đến thời điểm hiện tại, 2 doanh nghiệp này không đủ điều kiện thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu để pha chế xăng dầu.
Như vậy, tới nay, hai doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép là Xuyên Việt Oil và Hải Hà Petro đều chưa nộp lại số tiền nợ Quỹ bình ổn, lãi chậm nộp vào ngân sách Nhà nước.
glencode
Để xem được nhiều tin tức/báo cáo quan trọng hơn. Vui lòng đăng kí tài khoản để được hưởng những tiện ích của chúng tôi
Đăng kí tài khoản ngayMua bán, trao đổi dễ dàng và tin cậy với Glencode.
Đăng tin ngay