Giá xăng dầu đẩy lạm phát lên cao

Ngày đăng : 6/30/2022 9:16:00 AM
Giá xăng dầu liên tục tăng cao đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng qua tăng đến 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Dù giá cả hầu hết các mặt hàng vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng chi phí đầu vào vẫn là thách thức với doanh nghiệp.

Giá xăng dầu tăng liên tục gây áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa

Giá xăng dầu tăng gần 12.000 đồng/lít kể từ đầu năm

Tổng cục Thống kê cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng cao, CPI 6 tháng đầu năm nay đã tăng 2,44%. Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng, riêng trong tháng 6 CPI chỉ tăng 0,69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nói về nguyên nhân làm tăng lạm phát trong nửa đầu năm nay, Tổng cục Thống kê cho hay, giá xăng dầu được điều chỉnh 16 lần, làm cho giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít, xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít, dầu diesel tăng 13.900 đồng/lít, so với hồi đầu năm.

Bình quân 6 tháng giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,8%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng hóa tăng giá, 2 nhóm hàng hóa giảm giá trong tháng 6.

Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ đồ uống tăng 0,8%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,3%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,1%; Giao thông tăng 3,6%; Văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,5%.

Bà Nguyễn Thu Oanh- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tăng trong thời gian qua.

“Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu”- bà Nguyễn Thu Oanh nói.

Cần nhanh chóng ổn định giá xăng dầu

Cùng với giá xăng dầu, hiện tại, nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào sản xuất khác cũng tăng giá khá mạnh. Dù vậy, bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê vẫn khẳng định: “đến nay, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn”.

Cụ thể áp lực đó là diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine còn phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Cùng với tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.

“Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra”- bà Nguyễn Thị Hương nói.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng Chính phủ cần có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá xăng dầu cũng như có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh sử dụng xăng dầu chiếm tỷ trọng cao; đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không bị đứt gãy, gián đoạn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là thách thức lớn nên các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm và triển khai các túi hỗ trợ an sinh xã hội cần thiết, nhanh chóng.

glencode

Để xem được nhiều tin tức/báo cáo quan trọng hơn. Vui lòng đăng kí tài khoản để được hưởng những tiện ích của chúng tôi

Đăng kí tài khoản ngay