Giá thực phẩm, giá xăng dầu, giá gas giảm khiến CPI tháng 3 giảm 0,23%

Ngày đăng : 3/30/2023 7:38:00 AM
Giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với tháng 12/2022, CPI tháng 3 tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý I/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 5,01%.

So với tháng trước, CPI tháng 3/2022 giảm 0,23% (khu vực thành thị giảm 0,15%; khu vực nông thôn giảm 0,31%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 5 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 6 nhóm hàng giảm giá.

5 nhóm hàng tăng giá

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 3/2023 tăng 0,28% so với tháng trước; Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 3/2023 tăng 0,11% so với tháng trước. Trong đó, giá ăn ngoài gia đình và uống ngoài gia đình cùng tăng 0,1%; đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,18%. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu du xuân lễ hội đầu năm sau dịp Tết Nguyên đán tăng cao; Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 3/2023 tăng 0,36% so với tháng trước; Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 3/2023 tăng 0,14% so với tháng trước; Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng Ba tăng 0,13% so với tháng trước do giá khách sạn, nhà khách tăng 0,16%, giá du lịch trọn gói tăng 0,18%; xem phim, ca nhạc tăng 0,38%; thiết bị, dụng cụ thể thao tăng 0,36%; Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 3/2023 tăng 0,21% so với tháng trước.

6 nhóm hàng giảm giá

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 3/2023 giảm 0,58% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 3/2023 giảm 1% so với tháng trước.

Chỉ số giá nhóm đồ uống giảm so với tháng trước do quy luật giảm tiêu dùng sau Tết Nguyên đán.

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 3/2023 giảm 0,02% so với tháng trước chủ yếu do thời tiết các tỉnh phía Bắc ấm dần lên và nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm.

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 3/2023 giảm 0,16% so với tháng trước. Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 3/2023 giảm 1,71% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,11 điểm phần trăm, trong đó nhóm dịch vụ giáo dục giảm 1,95%.

Nguyên nhân chủ yếu do ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân nên một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

Chỉ số giá vàng tháng 3/2023 giảm 0,56% so với tháng trước

Chỉ số giá vàng tháng 3/2023 giảm 0,56% so với tháng trước

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3/2023 giảm 0,56% so với tháng trước; tăng 0,87% so với tháng 12/2022, giảm 2,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 1,25%.

Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.862 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2023 tăng 0,47% so với tháng trước; giảm 1,39% so với tháng 12/2022, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,45%.

Lạm phát cơ bản tháng 3/2023 tăng 0,22% so với tháng trước, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước quý I/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

glencode

 

Để xem được nhiều tin tức/báo cáo quan trọng hơn. Vui lòng đăng kí tài khoản để được hưởng những tiện ích của chúng tôi

Đăng kí tài khoản ngay